(LĐTĐ) Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ diễn ra. Đây là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Chính vì vậy, các nhà trường, gia đình đều xác định tạo điều kiện học tập, ôn luyện tốt nhất để các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi và xét tuyển đại học năm 2024.
Cơ bản giữ ổn định
Theo kế hoạch dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. Về cơ bản, kỳ thi được giữ ổn định như giai đoạn 2020 – 2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: P.T |
Kỳ thi được tổ chức với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT phải đăng ký và làm đủ 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do các em tự chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài tổ hợp do các em tự chọn. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng…
Một điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý là năm nay, Quy chế đã bổ sung quy định cụ thể các vật dụng thí sinh bị cấm mang vào phòng thi. Cụ thể, để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
“Đây là lần đầu tiên Quy chế thi quy định rõ các vật dụng cấm mang vào phòng thi. Các thầy cô giáo đã phổ biến với chúng em về điểm mới này. Em sẽ ghi nhớ để tránh vi phạm”, Trần Mai Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa) chia sẻ.
Lưu ý học sinh về quy định mới
Anh Bùi Hoàng Minh (phụ huynh học sinh Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Đây là kỳ thi rất quan trọng với học sinh nhằm đánh giá kết quả sau 12 năm học. Ngoài ra, nhiều học sinh còn sử dụng kết quả của kỳ thi để đăng ký xét tuyển đại học. Vì vậy việc Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin về định hướng kỳ thi rất cần thiết”.
Ghi nhận tại các trường học trên địa bàn Thành phố, ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các nhà trường đã gửi đến giáo viên chủ nhiệm các lớp và yêu cầu khẩn trương phổ biến nội dung Quy chế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào một số điểm mới để học sinh, cha mẹ học sinh nắm rõ, tránh tình trạng chủ quan, lơ là dẫn đến vi phạm.
Để kỳ thi năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao, bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề ra 5 giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thi các cấp nhằm huy động cả hệ thống chính trị nhập cuộc trong công tác tổ chức kỳ thi; xây dựng kế hoạch tổ chức và phân công nhiệm vụ bảo đảm “chặt chẽ từng khâu, rõ việc từng người”. Thứ hai, tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
Thứ ba, tăng cường phổ biến học tập Quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp hiệu quả với Công an, Thanh tra Thành phố tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận trong nhân dân; phổ biến, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thí sinh. Thứ năm, chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
Nguồn: laodongthudo.vn